Tham dự diễn đàn có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công thương; Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM; đại diện của các quốc gia thành viên EU; các quan chức ngoại giao và xúc tiến thương mại, các tổ chức tài chính quốc tế, Ngân hàng Thế giới; hơn 1.000 doanh nghiệp là thành viên của EuroCham và doanh nghiệp Việt Nam.
Hỗ trợ Việt Nam đáp ứng các cam kết COP 26
Đại diện EuroCham cho biết, mục tiêu chính của GEFE 2022 là hỗ trợ Việt Nam đáp ứng các cam kết COP 26 và hoàn thành các mục tiêu phát triển được nêu trong Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Các chuyên gia, doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách từ châu Âu, Việt Nam và Đông Nam Á sẽ tham gia vào các diễn đàn, triển lãm đối thoại giữa các doanh nghiệp và doanh nghiệp với Chính phủ trong lịch trình sự kiện kéo dài 3 ngày.
TPHCM kêu gọi doanh nghiệp châu Âu đẩy mạnh đầu tư dự án “xanh"
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, TPHCM là đầu tàu kinh tế của Việt Nam. Trong quá trình phát triển của mình, đặc biệt là quá trình phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19, thành phố đang tái cơ cấu các ngành kinh tế vừa nhằm khắc phục những thách thức - bất cập nội tại, vừa bắt kịp các xu thế phát triển của thế giới để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Trên thực tế, TPHCM cũng xác định trách nhiệm tiên phong trong thực hiện các chiến lược, chính sách phát triển bền vững của quốc gia, trong đó có cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP 26. Theo đó, TPHCM đã xác định 3 vấn đề rõ ràng để theo đuổi tiến trình phục hồi xanh. Cụ thể:
Một là tích cực tham gia vào các xu thế lớn của thế giới như xu thế mở cửa; xu thế phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội; xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số...; phát triển các mô hình kinh tế mới như kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức....
Hai là ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2022 – 2025 nhằm tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, và đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế-xã hội theo xu hướng phục hồi xanh.
Ba là xây dựng và triển khai chiến lược tăng trưởng xanh 2021 – 2030 nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời nỗ lực hiện thực hoá các cam kết mạnh mẽ về ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.